Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7) và những giá trị lịch sử, truyền thống nối tiếp của Dân tộc Việt Nam
Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hàng năm là ngày lễ kỷ niệm được tổ chức, từ năm 1947 theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới nay, dành tất cả tình thương yêu, tôn vinh những người thương binh, liệt sĩ của Đất nước. Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Trong ngày này, các cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và nhiều cá nhân, tổ chức xã hội tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thăm và tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, dâng hương tri ân tại các Nghĩa trang liệt sĩ,…
Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sỹ của cả nước. Mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh, Liệt sỹ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Trên toàn quốc đến nay đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.
Có thể nói đến nay, hòa bình và sự phát triển bền vững của đất nước đã được đánh đổi bằng quá trình đấu tranh lâu dài, trong đó những cuộc chiến giành độc lập đã xảy ra trong quá khứ là không thể tránh khỏi của nhiều dân tộc. Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay giành được độc lập là công lao của biết bao thế hệ đi trước. Xem lại Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, và đọc trước Công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình) ngày 2 tháng 9 năm 1945, chúng ta sẽ hiểu được lý tưởng này. Trong trái tim của những người con đứng lên bảo vệ Tổ quốc, giành quyền độc lập bấy giờ không có gì khác ngoài lòng yêu thương quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Không chỉ trong bom đạn của chiến tranh, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm, mà kể từ khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn cách mạng mới, máu của các chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân đội, Công an nhân dân vẫn đổ. Đã có hàng nghìn liệt sĩ, thương binh Công an nhân dân hy sinh, bị thương tích trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong giai đoạn gần đây nhất, bối cảnh đại dịch Covid-19 càng làm rõ nét hơn hình dáng của những người con đã và đang hi sinh vì vận mệnh của quốc gia, vì an toàn và sức khỏe cho cộng đồng - người dân cả nước. Những con người đó không chỉ là quân nhân mà là bác sĩ, y sĩ, sinh viên tình nguyện, công an, các cán bộ công chức, cán bộ xã phường, những nhà hảo tâm… không kể ngành nghề. Và dù giai đoạn tới có còn nhiều khó khăn, hình ảnh những chiến sĩ trong lịch sử hào hùng cùng với hiện đại, sẽ luôn được tiếp nối, sáng ngời tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và lòng yêu nước của Dân tộc Việt Nam.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sỹ đối với Tổ quốc. Đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp Nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Trên địa bàn xã Đăk Hring hiện nay 43 đối tượng người có công, thân nhân, gia đình người có công với Cách mạng. Kế thừa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, công tác người có công luôn được Đảng ủy, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội xã Đăk Hring quan tâm, triển khai thực hiện đảm bảo, các hoạt động cụ thể như: thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước đối với các đối tượng người có công, thân nhân, gia đình người có công với Cách mạng; vào các dịp 27/7, Tết Nguyên đán hàng năm, các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, Đất nước, Đảng ủy – UBND – UBMTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội xã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng người có công, thân nhân, gia đình người có công với Cách mạng; hỗ trợ các đối tượng thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ trong phát triển kinh tế hộ gia đình (tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay, giới thiệu việc làm cho con em thương, bệnh binh,…), các hoạt động xây dựng “nhà tình nghĩa”, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, tham gia chăm sóc, xây dựng công trình thanh niên và thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện; tổ chức thăm hỏi, chăm sóc khi gặp ốm đau, hoạn nạn,… Các hoạt động đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.
* Hình ảnh một số hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", thăm hỏi, chăm sóc các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn xã./.